15 - Nền tảng cơ bản của TẤT CẢ các cú đánh banh - (Phần 2)

Trong phần 1 ở bài viết trước, tôi đã trình bày một số nội dung cơ bản về mục tiêu của một cú đánh banh, đồng thời cũng phân tích khi nào và tại sao phải kiểm soát cú đánh banh rất sớm trước tiếp xúc banh. Điều nay khá giống như việc điều khiển máy bay, khi thời gian có được rất ngắn trước khi hạ cánh, bạn sẽ phải chuẩn bị tất cả các thông số trong máy bay cũng như cả các điều kiện trên mặt đất cho phù hợp để thực hiện một cú đáp thành công.  

Trong phần 2 này, bài viết sẽ tập trung vào cơ chế tạo lực và kiểm soát lực trong một cú đánh banh.

Từ mặt đất lên

Bây giờ chúng ta hãy “đi theo lực” từ mặt đất lên đến trái banh. Bạn có thể coi lực là phương tiện truyền năng lượng và động lượng từ vật này sang vật khác. Môi trường mà qua đó lực này truyền qua cơ thể đã bị gọi nhầm là "chuỗi động lực học - kinetic chain" và được ví như một loạt bánh răng và đòn bẩy được biểu thị bằng xương và khớp của bạn. Trên thực tế, môi trường mà lực truyền đi là cơ của bạn và dạng của lực là một làn sóng năng lượng thường bắt đầu bằng một cú "đẩy" xuống đất bằng một hoặc hai bàn chân của bạn. Bộ xương của bạn chỉ đơn giản là một cái khung để cơ bắp của bạn treo trên đó.

Kéo dãn cơ: Cơ bắp hoạt động giống như một động cơ nối tiếp với một lò xo. Nói chung, động cơ kéo và khớp uốn cong hoặc duỗi ra, nhưng cánh tay có thể bị kéo theo hướng ngược lại khi động cơ co lại. Trình tự này được gọi là 'quá trình kéo - giãn' và nó có thể được sử dụng để lưu trữ lực do cơ giải phóng nhanh trong các hoạt động thể thao.

Cơ bắp không hoạt động hoàn toàn giống như động cơ mà giống như những chiếc lò xo có thể điều chỉnh được. Giống như lò xo, chúng có thể hấp thụ năng lượng, giữ nó trong một thời gian, sau đó đưa năng lượng trở lại nguồn hoặc truyền về phía trước. Chúng không thể tạo ra động lượng nhưng có thể lấy đà từ trái đất và truyền tới trái banh. Nếu chân trụ của bạn không bị “dính” chặt vào mặt đất (do ma sát), bạn sẽ không thể lấy nhiều động lượng từ mặt đất mà không bị trượt. Lực kéo lớn đòi hỏi động tác di chuyển của chân (foortwork) tốt, đồng nghĩa với việc tạo ra sự cân bằng động.

Khi chúng ta, những người không chuyên thể thao, nghĩ đến việc giữ thăng bằng, chúng ta thường nghĩ đến việc đứng bằng hai chân, rộng bằng vai, với trọng tâm ở giữa chúng. Trạng thái này được gọi là cân bằng tĩnh và nó vô dụng trong thể thao. Trong thể thao, bạn luôn chuyển động nên trọng tâm của bạn ở khắp mọi nơi. Khi bạn ở trạng thái cân bằng động, trọng tâm ở vị trí nào sẽ không còn quan trọng do nó luôn thay đổi.

Cân bằng động phụ thuộc vào chuyển động và gia tốc không đổi; hoặc di chuyển theo vòng tròn hoặc chuyển trọng lượng của bạn từ chân này sang chân kia. Khi bạn liên tục chuyển trọng lượng cơ thể từ chân này sang chân kia, lực lượng ép mỗi chân lên mặt sân lên tới 4 lần tổng trọng lượng cơ thể của bạn. Áp lực của bàn chân bạn lên mặt sân tạo ra ma sát rất lớn. Tôi gọi hiện tượng này là "chân dính" và đó là cách các cầu thủ hạng A thu được rất nhiều động lượng từ mặt đất để đưa vào bóng. Trong trạng thái cân bằng động, cơ tứ đầu hoàn toàn kiểm soát được mối quan hệ của cơ thể với mặt đất, mang lại cảm giác ổn định và khỏe mạnh hoàn hảo, miễn là bạn luôn giữ đầu gối cong. Nếu bạn khóa đầu gối của mình, dù chỉ trong chốc lát, bạn sẽ mất tất cả sự cân bằng động cùng với tất cả sức mạnh, sự nhanh nhẹn, khả năng kiểm soát và sự uyển chuyển đi kèm với nó.

Bước chân của những người chuyên nghiệp: Đôi chân của họ không bao giờ ngừng chuyển động. Trọng lượng liên tục được chuyển từ chân này sang chân kia ngay cả khi bạn thực hiện cú đánh. Bàn chân khép sát vào nhau; đầu gối luôn cong, sức nặng dồn lên đầu bàn chân, đế của đôi giày luôn tạo ra những tiếng kêu“chíp chíp”!

Một ưu điểm khác của cân bằng động là nó giúp não bạn không bị rối tung lên khi thực hiện các cú đánh. Bạn phải luôn thỏa mãn phần não bộ được giao nhiệm vụ quan trọng là giữ cho cái đầu của bạn không va xuống mặt sân. Nếu bạn rơi từ trạng thái cân bằng động sang trạng thái cân bằng tĩnh, dù chỉ trong vài giây, não của bạn sẽ buộc phải vặn vẹo phần thân trên để kiểm soát vị trí trọng tâm của bạn. Sự can thiệp của não sẽ làm gián đoạn dòng chảy của bất cú đánh banh nào. Trong trạng thái cân bằng động, vị trí của trọng tâm không còn là mối lo ngại đối với bộ não của bạn nữa. Đạt được sự cân bằng động là bước đầu tiên và cần thiết nhất trong bất kỳ cú đánh nào.

Video minh họa việc sóng lực truyền trong môi trường (nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=mXpjwC_9LU4&ab_channel=MooMooMathandScience) 

 


Bắt Sóng Lực

Động tác đẩy lên khỏi mặt đất ban đầu sẽ di chuyển phần dưới của thân người (chân và hông) về phía trước, hướng lên trên và vòng quanh. Phần thân trên bị chậm lại trong vài mili giây vì hai lý do; quán tính của phần thân trên và khả năng co giãn của cơ thân và cột sống. Tuy nhiên, khả năng co giãn đó không phải là vô hạn, vì vậy khi các cơ bụng trở nên căng, vai bắt đầu di chuyển cùng hướng với chân và hông cũng như chân và hông đang chậm lại. Trong khi đó, cán vợt và đầu vợt bị tụt lại phía sau phần thân trên do quán tính và khả năng co giãn của cơ. Tất cả sự chậm trễ này dẫn đến một làn sóng lực lan truyền khắp cơ thể và cuối cùng được chuyển đến trái banh qua cây vợt.

"Vậy thì sao?" bạn sốt ruột muốn biết. Khái niệm sóng lực (power wave) rất quan trọng vì nếu thay vào đó, bạn tin rằng mình là một tập hợp các đòn bẩy cơ học, mỗi đòn bẩy góp phần tạo ra sức mạnh hoặc khả năng kiểm soát, thì việc tính toán thời gian của bạn sẽ không bao giờ chính xác. Có nhiều người đẩy chân sau ra phía trước khi đang đánh bóng. Họ làm điều này bởi vì họ hình dung ra mối liên hệ trực tiếp giữa động tác đẩy chân sau, xoay hông, xoay vai, vung tay và lắc cổ tay. Trên thực tế, bạn cần phải đẩy chân sau ra phía trước rất lâu trước khi sức mạnh của động tác đó được phản ánh qua cú đánh bóng (xem hình động bên dưới). 

Trên thực tế, trong cú thuận tay xoáy lên, bạn cần phải bắt đầu đẩy lùi cú đánh ra sau bằng chân trước ngay trong khi bạn tăng tốc vợt về phía trước. Sự đảo lộn này là cần thiết vì cần có thời gian để sóng lực đi từ chân bạn đến cổ tay. Đối với những người chơi thể thao ở mức độ hạn chế, việc học cách đồng bộ hóa tay và chân trong quần vợt một cách hợp lý đã đủ khó chưa nói tới việc chống lại quan điểm lệch lạc trong thực tế.

Thu hoạch làn sóng lực

Khi bạn đã hoàn toàn chấp nhận khái niệm sóng, bạn có thể bắt đầu tận dụng nó để cải thiện khả năng kiểm soát và tính nhất quán của mình. Khi sóng năng lượng đi qua vai và cẳng tay của bạn, bạn có thể khai thác năng lượng của nó để hoàn thành tất cả các mục tiêu được liệt kê ở trên, cụ thể là tốc độ, kiểm soát hướng và độ xoáy của trái banh.

Một phần năng lượng được dùng để tạo ra tốc độ đầu vợt, yếu tố sẽ tạo ra tốc độ và độ xoáy cơ bản. Phần còn lại bạn có thể chuyển đổi thành lực dự trữ được giải phóng trực tiếp vào trái banh nhằm tạo ra khả năng điều khiển hướng và độ xoáy bổ sung. Khi bạn tác dụng lực trực tiếp lên trái banh trong thời điểm tiếp xúc, bạn sẽ làm thay đổi hướng của trái banh theo hướng của lực đó - một hiện tượng gọi là xung lực (Impulse). 

Tác dụng của xung lực khác với tác dụng của tốc độ đầu vợt. Tốc độ đầu vợt không quyết định hướng của bóng, nó chỉ xoay bóng và tăng thêm tốc độ. Nếu bạn tung cú vô lê đi vào khu vực tấn công của mình, quả bóng sẽ bật ngược về phía sân đối phương nhưng tiếp tục di chuyển xuống dưới vào lưới. Việc tăng hoặc giảm tốc độ đầu vợt không thể ngăn chặn được kết quả này. Ngược lại, xung lực sẽ chuyển hướng quả bóng theo hướng của lực bạn tác dụng tại thời điểm tiếp xúc. Xung lực có làm tăng thêm tốc độ nhưng về cơ bản nó là nguồn kiểm soát đáng tin cậy duy nhất.

Sóng lực của cú thuận tay xoáy lên: Bắt đầu bằng cú đẩy xuống đất và chuyển trọng lượng từ chân trước sang chân sau (vàng) trong khi xoay cả thân người cùng vợt (Unit turn) để tạo lực khóa (ở cuối động tác xoay vợt ra sau - backswing). Nó truyền qua các cơ như là đợt đầu tiên của làn sóng, truyền lên thân người, qua ngực, vai và xuống cánh tay đến cổ tay nơi nó được truyền đến cây vợt, giúp lăng vợt ra xa bóng và giúp thiết lập độ căng (trương lực - tone) của cẳng tay. Tiếp theo người ta đẩy chân sau để dồn trọng lượng cơ thể sang chân trước (màu xanh lá cây). Sự chuyển trọng lượng về phía trước này tạo ra phần đỉnh của sóng lực và tăng tốc cây vợt về phía bóng để kéo căng-rút ngắn các cơ cẳng tay để điều khiển hướng và tạo xoáy, đồng thời phát triển tốc độ đầu vợt tạo ra động năng. Cuối cùng, sự chuyển trọng lượng từ chân trước sang chân sau tạo ra một đợt cuối cùng trong sóng năng lượng chống lại đỉnh sóng, chấm dứt gia tốc và do đó giải phóng lực tích trữ ở cẳng tay. Có một sự chậm trễ giữa việc tạo ra sức mạnh ở chân và việc sử dụng sức mạnh đó ở phần trên cơ thể, dẫn đến sự đảo lộn nhịp điệu của cú đánh một cách khó khăn nhưng không thể tránh khỏi.

(ND: Unit turn là một khái niệm khi toàn bộ thân người bao gồm cả tay và vợt xoay ra sau cùng một lúc như là một khối đồng nhất và khi đó vị trí giữa vợt, tay và thân người không thay đổi. Điều này khác với động tác kéo vợt ra sau, khi đó vị trí của vợt và tay cầm vợt thay đổi so với thân người).

Comments