11. Bí quyết khi giao bóng sao cho động tác dễ dàng, tránh chấn thương ở khớp vai và banh bay nhanh và mạnh

Nhiều bạn mới chơi hay cả nhiều người đã chơi tennis lâu năm nhưng vẫn chưa làm tốt động tác giao bóng. Họ thường cố hết sức để đẩy trái banh vào sân bằng cách sử dụng sức ở cánh tay thay vì dùng toàn bộ cơ thể. Kết quả là bóng bay rất chậm hoặc bay nhanh nhưng không vào được ô giao bóng.

Trong quá trình chơi, do sự cố gắng dùng hết sức ở một số bó cơ như cơ tay, cơ lưng ở vai để bù vào lực cần thiết do toàn bộ cơ thể đáng ra phải dùng nên về lâu dài, nhiều người bị đau vai tới mức phải nghỉ chơi. Đặc biệt là đau khớp bả vai do bị viêm cơ quay do có một cái móc ở xương đòn cọ vào liên tục.

 


Sau đây là một vài kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn.



1. Luôn giữ cánh tay gần như vuông góc với thân người và không quay quá nhiểu ở vị trí bả vai như nhiểu bạn thường làm để tăng lực. Do cấu tạo khớp vai tương đối yếu và không cho phép dơ tay cao quá đường nối giữa hai bả vai trong một thời gian dài, vị trí tốt nhất là để cánh tay thấp hơn bả vài trong suốt quá trình đánh banh.


 2. Để vung vợt từ vị trí sẵn sàng (trophy position), không chỉ quay cánh tay mà nên dùng toàn bộ thân người lăng từ sau tới trước, từ thấp lên cao để quay cánh tay và vợt. Với sức nặng của toàn bộ thân người nhân với vận tốc quay, (P= M x V), động năng hay năng lượng do toàn bộ thân người sinh ra trong qua trình quay sẽ lớn hơn rất nhiều so với lực của riêng cánh tay và vợt sinh ra. Đồng thời, do cánh tay ở vị trí thấp hơn bả vai và không quay nhiều trong khớp bả vai, bạn sẽ tránh được chấn thương như nói trên.

3. Như bài trước tôi có viết về việc bẻ góc mặt vợt khi mở vợt ở các cú đánh thuận tay và trái tay, việc bẻ góc mặt vợt khi mở vợt trong cú giao bóng cũng hết sức quan trọng. Ở cuối giai đoạn tung bóng, mặt vợt sẽ quay lên trời và hướng về phía bên phải của sân (với người thuận tay phải).

Điều này giúp cho banh đi căng và chính xác mà không cẩn phải chú ý nhiều vào việc điều khiển mặt vợt khi tiếp xúc bóng. Bạn sẽ có cảm giác an toàn và hoàn toàn có thể dùng hết sức để giao bóng mà bóng vẫn không bay ra ngoài ô giao bóng.

4. Để tạo một lực mạnh nhất, cơ thể bạn sẽ phải hoạt động như một cái lò xo, quay hết cỡ về phía sau và sang bên trái, trùng đầu gối xuống để nén toàn bộ cơ thể, sau đó bung ra về bên phải, xoay một vòng lên trên và tiếp xúc bóng rồi kéo xuống dưới để truyền năng lượng từ vợt vào bóng và điều khiển hướng bóng. Cánh tay lúc tiếp xúc bóng phải giữ thẳng và mặt vợt vẫn vuông góc với bóng lúc đập xuống.



5. Điều quan trọng nhất là luôn giữ cho cơ thể thoải mái để cho các bó cơ thư giãn, tránh căng cứng trong toàn bộ quá trình thả vợt ra sau và vung vợt ra phía trước. Bạn càng thả lỏng thì càng có nhiều lực. Khi căng các bó cơ sẽ làm cản trở chuyển động của vợt và do chính các bó cơ này kéo nhau  khi căng cứng nên sẽ gây ra chấn thương.










Các bạn hãy thử làm các động tác trên, trước tiên làm từ từ trước rồi tăng dần sức mạnh lên, bạn sẽ thấy cú giao bóng của mình được cải thiện rõ rệt và không còn cảm giác hồi hộp, lo lắng khi giao bóng nữa.


Một số hình ảnh trong bài này sử dụng từ nguồn trên Internet, từ sách Tennis Anatomy và video từ https://www.tenniswithouttalent.com 



Comments